Chen Guangcheng: ‘I’m Not Free’ – Trần Quang Thành: “Tôi không có tự do”

Thực hiện phỏng vấn: Wieland Wagner
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 19 / 2012.

Nhà bất đồng chính kiến Trần Quang Thành về lần quản thúc tại gia và số phận không chắc chắn của mình sau khi rời Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh

SPIEGEL: Ông Trần, ông có khỏe không?

Trần: Tôi đang nằm trên giường. Tôi cảm thấy không tốt. Tôi sợ là kết nối điện thoại này có thể bị cắt đứt vào bất cứ lúc nào.

SPIEGEL: Ông có được chữa trị tốt không?

Trần: Vâng, được.

SPIEGEL: Chân ông thế nào rồi? Chân nào bị thương và đã xảy ra như thế nào?

Trần: Chân phải. Đã được bó bột rồi. Tôi gãy chân trong lúc chạy trốn khi leo qua một bức tường. Sáu đến tám tuần nữa họ sẽ tháo băng ra.

SPIEGEL:Ông có tự nguyện rời Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh không?

Trần: (im lặng một lúc lâu và thở dài): Vâng, tôi đã tự nguyện rời Đại sứ quán, nhưng tôi bị đe dọa trong thời gian đó.

SPIEGEL: Ông bị đe dọa hay là gia đình ông?

Trần: Không, không phải tôi bị đe dọa, nhưng mà là gia đình tôi.

SPIEGEL: Lãnh đạo Bắc Kinh được cho là đã tuyên bố rằng sẽ gửi vợ ông và cả hai đứa con về tỉnh Sơn Đông, quê của ông, nếu như ông không rời Đại sứ quán Hoa Kỳ. Có đúng không?

Trần: Vâng.

SPIEGEL: Ở Sơn Đông thì rồi cũng chính những nhân viên nhà nước và côn đồ được thuê mướn đấy đang chờ gia đình ông, những người đã hành hạ họ tồi tệ đến như thế.

Trần: Vâng.

SPIEGEL: Ông có muốn rời Trung Quốc không?

Trần: Vâng, tôi muốn ra khỏi Trung Quốc càng sớm càng tốt. Với toàn bộ gia đình của tôi.

SPIEGEL: Trên đường vào bệnh viện, ông đã nói chuyện điện thoại với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton. Bà ấy có đưa ra cho ông bất kỳ một bảo đảm nào hay không?

Trần: Bà ấy chỉ nói rằng chính phủ Trung Quốc sẽ bảo đảm cho các quyền công dân của tôi. Nhưng ở Trung Quốc không có bảo đảm cho quyền công dân.

SPIEGEL: Chính phủ Trung Quốc cả một thời gian dài đã đứng nhìn nhà chức trách địa phương quản thúc ông tại gia và đối xử bạc đãi với ông mà không làm gì cả. Ông có tin rằng chính phủ này trong tương lai sẽ bảo vệ cho sự an toàn của ông hay không?

Trần: Đối với tôi, đấy không phải là một câu hỏi của tin hay không tin. Tôi muốn dựa trên những sự kiện trong thực tế hơn. Từ khi tôi ở đây trong bệnh viện, tôi hầu như không thể gọi điện với máy điện thoại di động của tôi được nữa và hầu như không thể nhận điện thoại được nữa. Bạn bè tôi không thể đến thăm tôi. Tôi không thể tìm cách nào để biết rằng mẹ tôi có khỏe hay không. Có rất nhiều điều không chắc chắn cho tôi. Và rồi vợ tôi còn kể cho tôi nghe bà ấy đã trải qua những gì ở nhà.

SPIEGEL: Ông có sợ nhà chức trách địa phương sẽ trả thù ông không?

Trần: Vâng, tôi đang lo, rất lo.

SPIEGEL: Ông là nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng đầu tiên của Trung Quốc đã trốn thoát được nhà tù và bây giờ – người ta nói thế – được phép sống trong Trung Quốc như là một người tự do. Ông có nhìn thấy đấy như là một dấu hiệu cho sự biến đổi, cho những cải cách có thể có hay không?

Trần: Vấn đề là ở chỗ: Tôi không có tự do.

SPIEGEL: Bạn bè ông cho tới nay không được phép đến thăm ông, chỉ vợ ông và hai đứa con ông là ở trong bệnh viện với ông?

Trần: Vâng, vợ con tôi ở đây với tôi.

SPIEGEL: Vợ và con ông có được phép đi ra ngoài không?

Trần: Không.

SPIEGEL: Ông có biết họ hàng của ông ra sao không, cháu trai của ông, anh em của ông?

Trần: Không, tôi không biết gì về tình hình của họ cả.

SPIEGEL: Ông có thể mô tả một ít về việc ông đã bị đối xử như thế nào trong thời gian bị quản thúc tại gia không?

Trần: Những người canh giữ đã dùng bạo lực để ngăn cản không cho chúng tôi đi ra ngoài, họ theo dõi từ bước đi của chúng tôi. Người của an ninh huyện xông vào nhà của chúng tôi, họ đánh tôi và vợ tôi. Họ lôi mọi thứ ra ngoài, cả nhiệt kế và đèn pin nữa. Thật ra là những thứ không quan trọng – nhưng họ đã mang đi hết. Tất cả sách, hình ảnh trên tường – họ cướp tất cả mọi thứ của chúng tôi. Tuy là họ đã để lại chiếc máy truyền hình, nhưng họ đã dùng kìm phá mất phích cắm. Tức là chúng tôi không thể xem được truyền hình. Họ cố làm cho cuộc sống chúng tôi càng khó khăn càng tốt.

SPIEGEL: Thế thì cuộc trốn thoát ra khỏi cảnh bị giam cầm đấy của ông phải giống như một điều kỳ diệu.

Trần: Vâng, trời đã giúp tôi.

SPIEGEL: Làm thế nào mà ông có thể trốn thoát mà không bị phát hiện?

Trần: Đấy là một câu chuyện dài. Tôi bò ra khỏi nhà. Một người canh giữ đã giúp tôi.

SPIEGEL: Trên đường mạo hiểm trốn thoát, ông đã được những người giúp đỡ tiếp nhận và chở đến Bắc Kinh, vài người đó sau này bị hỏi cung hay bị bắt giam.

Trần: Tôi đang rất lo cho họ. Chính việc này cho thấy rằng những bàn tán về tự do chỉ là những lời nói suông mà thôi.

SPIEGEL: Ông có nói với người Mỹ về tình trạng của những người giúp ông hay không?

Trần: Có. Họ bảo đảm với tôi là họ sẽ bàn về đề tài này với phía Trung Quốc.

SPIEGEL: Ông có biết gì về những giao hẹn mà người Mỹ đã thực hiện với chính phủ Trung Quốc để bảo vệ cho ông hay không.

Trần: Theo đó thì phía Trung Quốc đã bảo đảm cho quyền công dân của tôi, và tôi được phép rời Đại sứ quán một cách bình an vô sự.

SPIEGEL: Theo cam kết này thì người Mỹ không thể thẩm tra được việc gì sẽ xảy ra với những người giúp ông?

Trần: Không, rõ ràng là không. Những người khác trong số họ vẫn còn bị tra tấn.

SPIEGEL: Người ta có giải thích cho ông biết tại sao ông lại bị giam giữ bất hợp pháp và bị bạc đãi trong những năm vừa qua không?

Trần: Bây giờ thì người ta nói rằng quyền công dân của tôi đã bị xâm phạm, chính quyền địa phương đã vi phạm luật lệ và quy định. Ít nhất là chính phủ đã nói như thế với quốc vụ khanh Hoa Kỳ Kurt Campbell.

SPIEGEL: Ông có nhận được từ Hoa Kỳ hay từ chính phủ của ông bất cứ một cam đoan nào trên văn bản hay không?

Trần: Không.

SPIEGEL: Người ta hứa với ông là ông sẽ được học tại một trường đại học Trung Quốc. Đấy cũng chỉ là một lời hứa miệng?

Trần: Vâng.

SPIEGEL:Họ mời ông học đại học trong thành phố nào?

Trần: Họ kể ra cho tôi bảy trường đại học. Tôi còn chưa quyết định. Tôi được phép lựa chọn giữa Thiên Tân và… Nhưng chúng ta hãy quên nó đi! Chẳng có ý nghĩa gì cả.

SPIEGEL: Tức là ông không còn muốn học đại học ở trong Trung Quốc nữa?

Trần: Đúng thế.

SPIEGEL: Khi ông nói chuyện qua điện thoại với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, người ta cho rằng ông đã hết sức vui mừng mà nói rằng: “Tôi muốn hôn bà”. Giới truyền thông phương Tây đã tường thuật như thế dựa trên các nhà ngoại giao Mỹ.

Trần: Họ chắc phải nghe lầm rồi. Tôi không nói tôi muốn hôn Clinton. Tôi chỉ nói bằng tiếng Anh: “I want to see you.” Và đấy chính là điều tôi muốn, tôi muốn gặp bà ấy.

SPIEGEL: Ông có nghĩ là bà Clinton sẽ đến thăm ông hay không?

Trần: Bà ấy đã có ở Bắc Kinh rồi, khi tôi còn trong Đại sứ quán. Nhưng bà ấy không đến gặp tôi. Điều đấy khiến cho tôi rất ngạc nhiên.

SPIEGEL: Ông có còn hy vọng rằng người Mỹ sẽ đưa ra thêm những lời hứa khác để bảo vệ cho ông không?

Trần: Tất nhiên là tôi hy vọng điều đấy rồi.

SPIEGEL: Nhưng cho tới nay vẫn còn chưa có?

Trần: Họ vừa gọi điện cho tôi. Họ nói rằng sẽ có ai đó đến thăm tôi sau này.

SPIEGEL: Ông sẽ phải ở trong bệnh viện cho tới bao lâu?

Trần: Tôi không biết.

SPIEGEL: Ông có tin rằng đất nước của ông có ngày sẽ trở thành một nhà nước pháp quyền hay không?

Trần: Tôi tin là như vậy. Nhưng mục đích này sẽ còn đòi hỏi những nỗ lực hết sức to lớn. Từ rất nhiều người.

Thực hiện phỏng vấn: Wieland Wagner
Phan Ba dịch từ Der Spiegel số 19 / 2012.

oOo

30.06.2012 – München – Thư Mời Tham dự Thánh Lễ cầu nguyện, Hội thảo về tự do tôn giáo và hiện tình đất nước Việt Nam

oOo

Visit Facebook Nguyễn Phan

Boycott all products made in China or made in P.R.C (People Republic of China)690 – 695 Article Numbering Centre of China – ANCC cn

http://www.beaconoftruth.com/melamine.htm

Bạn muốn lướt mạng mà không để lại vết tích như địa chỉ IP v.v. hãy bấm vào http://anonymouse.org, sau đó chọn lá cờ Anh hay Đức, gõ địa chỉ trang nào bạn muốn tìm vào khung và bấm enter. Phiên bản này miễn phí vì vậy có hiện quảng cáo.

This entry was posted in english, vietnamese. Bookmark the permalink.

Leave a comment