Mậu Thân : Cái Chết Của Bốn Công Dân Đức

Mậu Thân : Cái Chết Của Bốn Công Dân Đức
Uwe Siemon-Netto 2013/03/12

Thưa quí vị,

Uwe Siemon-Netto sinh năm 1936 tại Leipzig. Hành nghề chủ yếu trong ngành truyền thông quốc tế. Từng hoạt động ở London, Paris, New York, Việt Nam, Trung Đông và Hồng Kông trong giai đoạn 1962-1969. Viết cho các tạp chí uy tín của Đức như Die Welt và Stern.

A reporter’s love for a wounded people là thiên phóng sự viết về những năm tháng Siemon-Netto hành nghề phóng viên chiến trường ở Việt Nam, Căm Bốt.

Bản dịch Việt văn do một vài anh em cựu sinh viên quân y VNCH phụ trách.

Xin kính mời quí Anh Chị dành chút thì giờ đọc những gì Uwe Siemon-Netto viết về cái chết của ba bác sĩ Tây Đức và vị phu nhân, vợ một trong ba bác sĩ Đức, do Việt Cộng thảm sát vào dịp Tết Mậu Thân 1968.

Xin vui lòng lưu ý những chi tiết sau đây : thế giới ngoại giao đã cố gắng can thiệp với Hà nội hòng cứu mạng bốn người Đức nhưng cộng sản không thèm để ý.

Luận cứ này phủ nhận những lời chạy tội của các tên sát thủ theo cộng ở Huế cũng như của ông Bùi Tín theo đó Việt cộng hạ sát các tù binh Đức vì muốn tự bảo vệ an ninh, vì không đủ phương tiện che chở cho họ, vì họ là một gánh nặng cho chúng v.v..

Cũng xin chú ý đến vai trò của Giáo sư Bác sĩ Erich Wulff. Ông này thiên cộng một trăm phần trăm, từng giữ chức Phó Chủ tịch Phong trào Hoà Bình Thế giới Á Phi. Ông ta phụ trách bộ môn Sozialpsychiatrie ở Trường Đại học Y Hannover, Bắc Đức. Khi tôi sang Tây Đức đầu năm 1984, anh Nguyễn Văn Trung nhờ tôi liên lạc với ông ta để giúp đỡ cho anh Trung xuất ngoại (hai người quen nhau từ trước 75) nhưng ông ta từ chối, bảo chẳng làm được gì vì ông ta đã trực tiếp xin Phạm Văn Đồng tha cho Khoa trưởng Văn Khoa Sàigòn (Bùi Tường Huân? Bùi Xuân Bào?, lâu ngày tôi quên tên họ chính xác) nhưng chẳng đi đến đâu.

Tôi và ông Wulff trao đổi khá nhiều thư từ nhưng tất nhiên lập trường hai bên  như trắng với đen. Chi tiết ông ta ra làm chứng trước toà án Russell, tôi đọc Uwe Siemon-Netto mới biết. Khoảng năm 2005, Wulff sang thăm Việt Nam và tất nhiên đã được đón tiếp như một anh hùng xã hội chủ nghĩa. Wullf chết cách đây vài ba năm.Tôi cũng biết thêm tại sao Willy Brandt đã nhận chìm vụ thảm sát công dân Tây Đức : chủ trương cầu hoà với Nga Xô Viết, quì trước một đài kỷ niệm ở BaLan, lãnh Nobel Hoà Bình v.v..

Trần Văn Tích

Bây giờ xin mời đọc tác giả Đức.

Thảm Sát Bốn Công Dân Tây Đức

Tuy nhiên trước khi lên máy bay đi Phnom Penh, tôi đến thăm xã giao Wilhelm Kopf, Đại sứ Tây Đức tại Sài Gòn.

Thật bất ngờ, Hasso Rüdt von Collenberg bước vào, xin lỗi vì làm gián đoạn cuộc nói chuyện của chúng tôi. Khuôn mặt vị Nam tước trẻ tuổi trông tái hơn bình thường. Nam tước thì thầm điều gì đó nghe giống như mật mã. Mặt của Kopf dài ra trông thấy. Theo linh tính, tôi mạo hiểm đoán:

“Họ đã tìm ra thi thể của các Bác sĩ Đức tại Huế rồi phải không?” Tôi nói.

Hasso von Collenberg với vẻ bối rối nhìn tôi trả lời, “Đúng vậy, nhưng chưa chính thức. Chúng tôi phải báo cho Bonn trước.”

“Tôi hiểu. Cho tôi biết không chính thức vậy: chuyện gì đã xẩy ra?”

“Người ta đã tìm thấy thi thể của Giáo sư và bà Krainick, của Bác sĩ Discher và Bác sĩ Alteköster trong một cái mồ tập thể khoảng 20 dặm về hướng Tây của Huế. Họ đã bị bịt mắt và tay bị trói quặt ra sau bằng dây kẽm. Họ đã bị buộc phải quỳ gối trước khi bị bắn vào sau gáy rồi bị đẩy xuống mương.”

Khi ông Đại sứ và tôi chăm chú nghe anh kể, chúng tôi không thể nào biết rằng lời diễn tả đó lại đúng là số phận của von Collenberg một vài tuần lễ sau, khi bọn Việt Cộng sát hại anh trên một con đường nhỏ vùng Chợ Lớn, trong khu phố Tầu của Sài Gòn không xa tòa Đại sứ bao nhiêu.

Viên ngoại giao trẻ kể cho chúng tôi là Viện trưởng Viện Đại Học Huế đã nhận diện được thi hài của các đồng nghiệp người Đức và tình trạng của họ cho phép một kết luận sơ khởi quan trọng: Họ phải còn sống ít nhất sáu tuần lễ sau khi bị bắt cóc. Với cơ cấu chỉ huy sắt máu của Hà Nội, vụ hành quyết bốn người Tây Đức này không thể là một sự nhầm lẫn trong lúc cuộc chiến hỗn loạn được; họ không phải là nạn nhân vô tình của chiến tranh. Bất chấp những lời cầu xin từ khắp nơi trên thế giới, Hà Nội đã không hề hành động điều gì để cứu những người vô tội này mặc dù họ có thừa thời gian để làm chuyện đó. Do đó, chúng ta có thể giả định rằng những vụ hành quyết như thế này và hàng ngàn những người vô tội khác có chủ đích và từ đó, được xếp hạng là những hành vi tội ác chiến tranh gây ra bởi một chế độ hay có sự đồng lõa của chế độ đó.

Một năm sau tại hội nghị hòa bình Paris, nơi cuối cùng đã dẫn tới sự triệt thoái của Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, tôi chạm trán với một phóng viên Giải Phóng, cơ quan thông tấn của Việt Cộng. Anh ta nói với tôi là anh có tường thuật cuộc công kích Tết Mậu Thân tại Huế. So sánh các ghi chép với nhau, chúng tôi nhận thấy là có một lúc chúng tôi chỉ cách nhau không đầy 100 thước. Tôi rất muốn hỏi anh ta: “Tại sao các anh lại tàn sát hàng ngàn phụ nữ và trẻ em? Tại sao họ lại giết hại các bạn người Đức của tôi mà ‘tội ác’ của họ chỉ là chữa trị cho người dân Việt Nam, bất kể chính kiến của họ?” Buồn thay tôi đã không làm điều đó. Thật là vô ích hỏi anh ta những câu hỏi như vậy vì anh ta không bao giờ đi một mình. Luôn luôn có những tay công an quanh quẩn trong tầm tai nghe. Vả lại bọn Việt Cộng đã cho các ký giả Tây Âu trong những buổi tiếp tân tại các tiệm ăn sang trọng ở Paris cái luận điệu vô lý của họ về những gì đã xẩy ra tại Huế rồi. Họ nói đó là tội ác của CIA.

Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn không rõ nguồn gốc của cái sự láo khoét phi lý đó. Có phải đó là sản phẩm từ bộ óc ngu xuẩn của một số đảng viên cực đoan ở Hà Nội? Hay lại là phát minh của một Bác sĩ Tây Đức khác, tay bác sĩ tâm thần Erich Wulff điên rồ? Hắn đã đóng một vai trò khó chịu trong thời gian dạy học tại Huế. Vào năm 1963 hắn đã xách động chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm và Hoa Kỳ, cũng như lén lút chuyển thuốc men và dụng cụ y khoa cho Việt Cộng. Sau này khi bị buộc phải rời xứ, hắn đã ra làm chứng trước tòa án quốc tế Bertrand Russell về tội phạm chiến tranh tại Việt Nam. Khi tôi gặp hắn vào năm 1965, hắn đã tố cáo ông hàng xóm của hắn là Horst-Günter Krainick đã nuôi dưỡng một sự kỳ thị chủng tộc đối với người Việt. Hắn còn bày tỏ sự phẫn nộ đối với bà vợ của Krainick hằng ngày đi bơi tại Câu Lạc Bộ Thể Thao và làm thân với người Mỹ. Bản thân tôi cũng như bất cứ những người quen nào của gia đình Krainick đều không thấy điều gì khác lạ ngoài tình thương tuyệt vời dành cho cái dân tộc mà họ đến để giúp đỡ.

Năm 1968 Wulff viết dưới bút hiệu Georg W. Alsheimer một lập luận kinh tởm dưới tiêu đề Vietnamesische Wanderjahre – Những Năm Tháng Chu Du tại Việt Nam (Frankfurt: Suhrkamp, 1968). Trong cuốn sách này, hắn cho là một nhân viên tình báo hàng đầu của CIA với cái tên Bob Kelly đã kể cho hắn nghe về chương trình khủng bố của CIA gọi là Những Chiến Thuật Đen. Theo Wulff, chương trình này gồm những thanh niên mặc quần áo như Việt Cộng đi sát hại người già, phụ nữ và trẻ em để kích động lòng hận thù đối với Cộng sản.

Lời giải thích của Bắc Việt và Việt Cộng về cuộc tàn sát tại Huế phù hợp với luận điệu của Wulff. Nói một cách công bằng cho hầu hết các phóng viên Tây Âu, họ thấy chuyện này không có sức thuyết phục. Trong khi đó, Erich Wulff đưa ra một lý luận điên khùng khác trong những buổi hội họp của cánh tả tại Tây Đức: hắn cho là Bác sĩ Discher, Bác sĩ Alteköster và hai vợ chồng Krainick có thể đã bị giết bởi chính các sinh viên của họ để trả thù bị điểm kém, hoặc bởi chính các đồng nghiệp Việt Nam vì lòng ganh ghét.

Một lần nữa, tôi lại đi quá xa câu chuyện của tôi rồi. Vào thời điểm chuyện này tôi đang ở trong văn phòng Đại sứ tại Sài Gòn. Nét mặt biểu hiện đầy nỗi buồn của Hasso von Collenberg không lời nào tả xiết. Tôi còn nhớ đã suy nghĩ trong đầu: “Thật là một tâm hồn cao quý! Thật là một người đàng hoàng và dũng cảm! Từ lúc khởi đầu cuộc công kích Tết Mậu Thân, anh đã lái xe khắp Sài Gòn ngày đêm để bảo đảm cho các công dân Đức được an toàn. Anh không bao giờ về nhà mà ngủ trên một chiếc chiếu trong văn phòng. Anh đã cầu nguyện bọn Cộng sản sẽ tha cho những người bạn ở Huế, đó là tất cả những gì anh có thể làm được, và nay thì họ đã chết cả rồi. Chính phủ chúng ta phải tự hào về anh!” Trái lại đằng khác. Tất cả những gì còn lại để tưởng nhớ anh chỉ là một câu chú thích ngắn gọn trên tờ báo cáo của Văn phòng Ngoại Giao Đức. Bộ trưởng Ngoại Giao Tây Đức thời bấy giờ là Willy Brandt, thuộc đảng dân chủ xã hội mà chính sách ưu tiên cao nhất của ông là nhằm xoa dịu, hoặc làm tan băng đá trong quan hệ với khối Sô Viết. Người ta chỉ có thể phỏng đoán là ông nghĩ rằng sẽ khó khăn cho mục tiêu này nếu làm lớn chuyện vụ sát hại một trong những phái viên của ông.

Uwe Siemon-Netto

This entry was posted in vietnamese. Bookmark the permalink.

1 Response to Mậu Thân : Cái Chết Của Bốn Công Dân Đức

  1. Pingback: MỜI THAM DỰ BUỔI NÓI CHUYỆN VỀ “CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM – BÊN LỪA ĐẢO ĐÃ CHIẾN THẮNG” (HỘI NVTNCS tại Đức) | Ngoclinhvugia's Blog

Leave a comment